Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

TAN BIẾN

Ngày 08/07/1972, anh hùng phi công Đặng Ngọc Ngự đã hy sinh trong một trận đánh đối đầu với hơn 30 máy bay Mỹ. Trước khi hy sinh, vị phi công đạt đẳng cấp ACE này đã hạ gục 1 máy bay Mỹ. Đó cũng là chiếc máy bay Mỹ thứ 7 và cũng là cuối cùng trong cuộc đời bi hùng của ông. Cháu ngoại của anh hùng Đặng Ngọc Ngự kể lại rằng, sau ngày ông ngoại hy sinh, bà ngoại nén đau thương để nuôi 4 người con ăn học, vượt qua nỗi đau thời chiến và giai đoạn bao cấp khổ cực. Người con thứ 3 của anh hùng Đặng Ngọc Ngự được đặt tên là "Mích" - tên gọi "Việt hóa" của máy bay MiG, Đặng Ngọc Mích để ghi nhớ những chiến tích đầy tự hào của người cha anh hùng.


"Một người chiến sĩ khác là Nguyễn Văn Đông. Người chiến sĩ này tham gia chống Pháp năm 13, chống Nhật năm 15 và tiếp tục gia nhập hàng ngũ những chiến binh Việt Cộng để đánh Mỹ. Anh bị bắt hai lần, bị tra tấn gãy mất 10 chiếc răng và được thả vào gần ngày chiến thắng. Tưởng như chiến tranh sẽ dừng lại, nhưng một lần nữa, anh lại hành quân lên phía Bắc chống cuộc chiến tranh xâm lược từ Trung Quốc, rồi gia nhập vào một đơn vị bổ sung cho chiến trường Campuchia, đánh Polpot. Ba người con trai của chiến sĩ Nguyễn Văn Đông đã mất trong chiến tranh, hai trong số đó mới chỉ chưa đến 10 tuổi. Mẹ tôi là người con thứ 9 - cũng là người con cuối cùng của người chiến sĩ anh hùng đó, tôi và ông đã giao hẹn rằng sẽ gặp lại nhau sau 3 năm nữa, khi tôi trở về từ Hungary. Bây giờ, những chiếc huy chương chiến công của ông vẫn nằm gọn trong tủ".
Nếu bạn nào có cha ông, người thân từng tham chiến trong các cuộc chiến ở thế kỷ trước, hẳn đã được nghe không ít thì nhiều những câu chuyện về một thời khói lửa ấy. Mình cũng lớn lên từ những câu chuyện như thế, những câu chuyện không chau chuốt ngôn từ, nhưng lại rất "bánh cuốn".
Đôi khi, mình hay tự hỏi rằng, liệu thế hệ sau này, sẽ được nghe những câu chuyện ấy như thế nào, khi những con người của thế hệ đã cũ ấy lần lượt rời bỏ chúng ta mà lên thiên đường. Phải công nhận rằng, với nhiều người, trong đó có mình, tình yêu Tổ Quốc khởi nguồn từ những câu chuyện như vậy.
Hồi tướng Giáp mất, có một đám trẻ bình luận không hay, nếu không muốn nói là khiếm nhã về một bác lính già, đi dép cao su, mặc bộ quân phục bạc nhếch, đứng chào tiến biệt tướng Giáp từ xa vì không chen vào dòng người đông đúc được. Người lính già đó là Phàng Sao Vàng, một chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc ấy đã 79 tuổi nhưng vẫn đủ lực cầm lái chiếc xe máy cũ vượt hàng trăm cây số đến Hà Nội. Người lính già này và bao người anh em cùng lứa ấy, gọi tướng Giáp là "Anh Cả".
Khi TBT Lê Khả Phiêu mất, có nhiều cựu chiến binh đến đón tiễn ông và hầu hết họ đều ăn vận những bộ quân phục cũ, ngả màu. Nhiều người thắc mắc là tại sao những người lính già ấy không mặc những bộ trang phục/quân phục mới hơn, lịch sự hơn, mà lại khư khư giữ lại những thứ cũ mèm như thế?
Chúng ta hay có cái gọi là kỷ vật, đó là thứ thường gắn với một sự kiện hoặc một người nào đó mà chúng ta yêu quý, thương mến. Những thứ như vậy, thường thì chúng ta sẽ giữ lại thật lâu, đặt vào một góc ít người biết. Những người lính già đó, cũng có những thứ kỷ vật. Trong những năm tháng khói lửa và cái chết không phải là một điều gì đó gây ra sợ hãi, thì kỷ vật của người lính già ấy có khi chỉ là bức thư, có khi chỉ là chiếc lược, có khi chỉ là viên đạn hay bộ quân phục đã cũ. Kỷ vật là những thứ trường tồn theo thời gian, không phải là thứ có thể dễ dàng thay mới được.
Hơn một tháng trước, trong một vụ việc liên quan đến mùa lũ, nhiều người đặt câu hỏi vô duyên rằng: Quân đội ở đâu? Lính tráng ở đâu? Tiền thuế đóng để làm gì? Mà lại mặc dân đói khổ lầm than, đói kém...
Người ta nghĩ gì khi hỏi vậy nhỉ? 
Mà mấy vấn đề trước mặt mà người ta còn lãng quên và hỏi ngu được thì những chiến công mấy chục năm giời, vào một ngày trong tương lai, liệu có bị tan biến hay không? 
Đọc tin tức báo chí, từ báo giấy đến báo điện tử, khá là khó để tìm đọc những thông tin về ngày 22/12... Hồi lâu, có một người thầy nói với mình thế này, báo chí bây giờ thường đưa những tin mà người đọc muốn đọc, cánh nhà báo phóng viên chỉ đưa những thông tin mà họ muốn đưa... Vậy câu hỏi nữa là, phải chăng, không ai muốn quan tâm đến những ngày như 22/12 hay 27/07 nữa?
Một người cựu binh già đánh đàn giữa khu mộ, một người khác bó lại chiếc cẳng chân nhân tạo để thuận tiện di chuyển, một người khác nhìn những dòng ghế bên cạnh vắng người - chỗ ấy có thể dành cho những người đồng đội cũ của họ, những người đã chống lại chiến tranh và mất trong hòa bình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét