Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

TÂN TỔNG LÃNH SỰ ANH: “CHUYỂN ĐẾN VIỆT NAM LÀ QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN NHẤT!”

Tân Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Emily Hamblin không giấu vẻ hào hứng khi nói về sự kết nối với văn hóa Việt Nam thông qua nền ẩm thực phong phú.
____________
Emily Hamblin mặc áo màu xanh cổ vịt đơn giản cho buổi ghi hình ngoài trời với Zing. Bà đề nghị tự chọn và mua một ổ bánh mì thịt, như cơ hội để giao tiếp với người dân TP.HCM bằng vốn tiếng Việt mới học hơn 3 tháng.


Emily Hamblin sinh năm 1986, là một trong những tổng lãnh sự trẻ tuổi nhất trong số các nhà ngoại giao nước ngoài đang làm việc TP.HCM. Bà chuyển đến Việt Nam cùng chồng và con trai 2 tuổi.
Bà tổng lãnh sự thích thú khi chia sẻ trải nghiệm thưởng thức các món đặc trưng của ẩm thực Việt như cơm tấm, bún bò hay lẩu mắm. Bà Hamblin cũng bày tỏ niềm tin vào sự đóng góp của thế hệ trẻ Việt Nam với quan hệ song phương trong tương lai.
- Trước khi bắt đầu nhận nhiệm vụ mới, trải nghiệm sau khi kết thúc cách ly Covid-19 của bà như thế nào?
- Tôi phải bay 3 chuyến để di chuyển từ Anh sang Việt Nam, tổng thời gian bay lên đến 35 giờ đồng hồ. Sau đó tôi cách ly 2 tuần tại Hà Nội.
Ngay ngày đầu tiên sau khi kết thúc thời gian cách ly ở khu phố cổ, tôi và cả nhà được phép ra ngoài để bắt đầu trải nghiệm Việt Nam.
Ấn tượng ban đầu của chúng tôi là tiết trời Hà Nội vào tháng 8 tương đối nóng, nhiệt độ cao hơn nhiều so với ở Anh. Nhưng thành phố vẫn tràn đầy sức sống với nhiều hoạt động nhộn nhịp.
Trong buổi sáng hôm đó, tôi và cả nhà thử qua một số đặc sản của Việt Nam và uống cà phê ở Hà Nội. Các món ăn và thức uống đều thực sự tuyệt vời.
VIỆT NAM NĂNG ĐỘNG, ĐÁNG SỐNG
- Tại sao bà chọn Việt Nam làm điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp ngoại giao?
- Khi cân nhắc giữa các lựa chọn nghề nghiệp, càng tìm hiểu về Việt Nam, tôi càng cảm thấy vị trí tổng lãnh sự tại đây chính là công việc mà bản thân hướng đến.
Cuối cùng, tôi quyết định chỉ nộp đơn ứng tuyển vào vị trí ở Việt Nam. Tôi nghĩ lựa chọn đó xuất phát từ môi trường và yếu tố cộng đồng tại Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức có chuyên môn cao.
Thời điểm đó, Anh đang tập trung tăng cường quan hệ với các nước ở vùng châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là quốc gia nổi bật của khu vực với tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong vài năm trở lại đây. Tiềm năng thắt chặt hợp tác thương mại giữa Anh và Việt Nam cũng được đánh giá cao.
Trên phương diện cá nhân, tôi sinh ra ở Hong Kong, sau đó chuyển đi từ năm 4 tuổi. Nhiều thân thích của tôi hiện vẫn ở Hong Kong, anh trai tôi thì ở Singapore. Tôi luôn cảm thấy Đông Nam Á là một vùng thú vị.
Khi trò chuyện với những người từng đến hoặc sinh sống ở Việt Nam, tôi biết rằng đây là một đất nước năng động và đáng sống. Sau ba tháng trải nghiệm, tôi nghĩ họ đúng. Chuyển đến Việt Nam có lẽ là quyết định đúng đắn nhất.
- Tính đến nay, bà cảm nhận như thế nào về cuộc sống Việt Nam?
- Tôi chuyển sang Việt Nam cùng chồng và con trai 2 tuổi. Sau ba tháng đầu tiên, tình hình rất khả quan và gia đình tôi hạnh phúc khi sống tại Việt Nam.
Trước đó, chúng tôi trải qua nhiều đợt cách ly xã hội tại một số nơi như Pháp và Anh, tổng thời gian kéo dài đến 6 tháng.
Việc chuyển đến Việt Nam và có cơ hội di chuyển tự do để khám phá văn hóa và con người nơi đây thật sự rất tuyệt vời. Tôi cũng cảm kích việc chính quyền Việt Nam khống chế đại dịch Covid-19 hiệu quả.
Mặt khác, tôi đã trải qua ba tháng bận rộn. Tôi đang cố bắt nhịp với lối sống và ngôn ngữ ở Việt Nam để hiểu thêm về nền văn hóa của các bạn. Do đó, tôi nghĩ sự bận rộn đó cũng cho ra thành quả xứng đáng.
- Bà muốn tìm hiểu gì về Việt Nam với tư cách người dân bình thường?
- Tôi rất muốn đi vòng quanh đất nước và đến nhiều thành phố, tỉnh thành và vùng miền nhất có thể. Đến nay, tôi đã ghé thăm Cần Thơ, Đà Lạt, Hà Nội và TP.HCM, nhưng vẫn rất háo hức khám phá những khu vực khác và trải nghiệm ẩm thực của các địa phương. Tôi nghĩ đây cũng là một cách để kết nối với nền văn hóa bản địa.
Tôi cũng đang cố học tiếng Việt, đặc biệt là những cụm từ khó, song hữu ích trong việc giao tiếp với mọi người.
Tôi rất thích áo dài của Việt Nam nên đã mua hai bộ và trông chờ được mặc nó.
Tôi đặc biệt thích tìm hiểu yếu tố lịch sử và di sản ở TP.HCM. Tại đây, lịch sử vẫn được nghiên cứu, tôn trọng và gìn giữ.
Ở một thái cực khác, nền văn hóa Việt Nam luôn hướng về tương lai, sẵn sàng đổi mới trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa. Sự song hành của quá khứ và tương lai đem lại nội lực mạnh mẽ cho đất nước.
TINH THẦN ĐỘT PHÁ, ĐỔI MỚI TRONG ẨM THỰC VIỆT
- Bà lãnh sự nghĩ gì về những nét khác biệt giữa phong cách ẩm thực của Anh và Việt Nam?
- Thức ăn của Việt Nam rất tươi ngon và các món thường có chứa nhiều rau củ, đem lại cảm giác lành mạnh khi ăn.
Trước khi sang Việt Nam, tôi từng dùng thử một số món Việt ở Paris nhưng nghĩ lại thì chúng không chuẩn vị lắm. Giờ đây tôi rất vui vì có cơ hội trải nghiệm nền ẩm thực bản địa một cách trọn vẹn. Ngay khi có mặt tại Việt Nam, tôi ăn phở và bún bò Huế.
Càng đi nhiều nơi trên đất nước của bạn, tôi càng nhận ra vẫn còn nhiều thứ phải thử. Ví dụ, gần đây tôi đã đến Cần Thơ và dùng thử lẩu mắm. Cực kỳ ngon!
Tôi nghĩ việc khám phá những vùng đất mới thông qua việc dùng đặc sản của địa phương đó cùng người bản địa chính là một cách tuyệt vời để kết nối với nền văn hóa nơi đây.
- Tính đến nay, bà lãnh sự đã thử cơm tấm, bún bò, lẩu mắm, phở. Bà có thể chia sẻ về điểm đặc biệt của từng món?
- Có nhiều thứ về cơm tấm làm tôi rất thích, nhưng điểm đặc biệt nằm ở sự tương đồng với bữa sáng truyền thống kiểu Anh, cũng bao gồm thịt muối và trứng chiên.
Việc dùng thìa để ăn cơm tấm trên đĩa cũng khá giống văn hóa Anh, nhưng món này lại kết hợp nhiều hương vị với nhau, trong đó có cả rau muối và dưa chua.
Tôi thích sự kết hợp giữa các thành phần tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh, cung cấp đầy đủ năng lượng cho cả ngày dài.
Bánh xèo cũng rất ngon. Tôi thích lớp rau sống kèm rau thơm quấn bên ngoài, và vị béo giòn bên trong thì tựa như bánh kếp (pancake) vậy.
Lẩu mắm lại là một trải nghiệm mới lạ với tôi. Trước đó, tôi chưa từng thử qua món nào như vậy cả.
Tôi lần đầu bắt gặp món này trên bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long, do đó trải nghiệm của tôi với lẩu mắm gắn liền với văn hóa nơi đây, ôm trọn những hương vị khác nhau trong cùng một nồi nước dùng.
Đây là một lựa chọn hoàn hảo để bắt đầu một ngày mới hoặc bù lại nước giữa tiết trời nắng nóng.
- Nếu được mời đến dùng bữa với ba lựa chọn gồm bún bò, phở và lẩu mắm, bà sẽ chọn món nào và tại sao?
- Tôi nghĩ câu trả lời phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Nếu tôi đang cần sưởi ấm giữa tiết trời se lạnh vào đông của Hà Nội, hẳn là tôi sẽ chọn một bát phở.
Nhưng nếu đang lênh đênh trên xuồng ở đồng bằng sông Cửu Long vào một buổi chiều, tôi sẽ chọn lẩu mắm để tìm lấy cảm giác khoan khoái và mát mẻ.
Còn nếu đang ở miền Trung, tôi sẽ chọn bún bò Huế để thưởng thức phong vị lịch sử và di sản từ quá khứ được lồng vào món ăn ngon tuyệt này.
TỪ Ổ BÁNH MÌ ĐẾN BÀI HỌC ĐỔI MỚI TRONG QUAN HỆ NGOẠI GIAO
- Bà có cân nhắc việc tự nấu món Việt tại nhà không?
- Có chứ! Tôi đang định tìm các khóa học hoặc tài liệu dạy nấu các món Việt Nam. Một trong những điều tôi rất thích ở TP.HCM chính là sự giao thoa ẩm thực bốn phương, có thể tìm thấy các món đặc trưng của nhiều quốc gia ở ngay thành phố này.
Món bánh mì Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa nhiều nền ẩm thực. Tôi từng sống ở Pháp và nghiện món bánh mì tươi của họ, vì vậy rất vui mừng khi được thử lại hương vị này trong món bánh mì tại TP.HCM, tất nhiên là theo một cách rất Việt Nam.
- Vậy bà có cho rằng sự đổi mới và sáng tạo là một đặc điểm của ẩm thực Việt?
- Đúng vậy! Ấn tượng của tôi đến thời điểm hiện tại là người Việt Nam rất cởi mở trong việc dung nạp nhiều ý tưởng khác nhau nhưng vẫn giữ vững tinh thần đại diện cho Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam dường như là sự pha trộn độc đáo từ tinh hoa của các sáng kiến đến từ những quốc gia khác. Đây cũng là một nét tương đồng khá thú vị với Anh.
- Theo bà, tinh thần này có thể được áp dụng như thế nào trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh?
- Một vài ví dụ có thể kể đến hai dự án hợp tác giữa chính phủ đôi bên nhằm hạn chế ngập lụt và cung cấp dịch vụ đặt vé tàu điện ngầm thông minh để tránh tắc đường.
Nhiều công nghệ tiên tiến được hai phía trao đổi nhằm triển khai hai chương trình nói trên. Áp dụng các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề nhức nhối của người dân địa phương chính là điều mà chúng tôi tập trung vào.
Ngoài ra, nền công nghệ tại Việt Nam cũng đang phát triển với tốc độ ấn tượng. Tôi nghĩ bản thân có trách nhiệm kết nối các doanh nghiệp công nghệ ở Anh và Việt Nam với nhau để đôi bên có thể hợp tác cùng phát triển.
- Còn trên cương vị chính thức, mục tiêu bà muốn đạt được trong nhiệm kỳ tại Việt Nam là gì?
- Tôi rất phấn khích khi biết sẽ có ít nhất 3 năm sống và làm việc ở Việt Nam. Từ góc độ chuyên môn, mục tiêu lớn nhất của tôi là tăng cường thương mại song phương. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của tôi trong năm nay là hoàn tất hiệp định thương mại tự do giữa hai nước vào cuối tháng 12.
Tôi nghĩ chúng ta đang đi đúng hướng khi phát triển thương mại trên nền tảng thế hệ trẻ. Chúng ta đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy các ngành mà Anh có thế mạnh như công nghệ và kỹ thuật số thông qua hoạt động giao thương giữa hai nước.
Năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều tiềm năng. Anh là quốc gia có công suất điện gió ngoài khơi cao nhất thế giới.
Đặc biệt, nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam khá tương đồng với Anh. Việt Nam thậm chí lợi thế hơn trong việc khai thác năng lượng mặt trời.
Những lĩnh vực nhiều triển vọng khác bao gồm giáo dục, y tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ đầu tư vào cơ sở hạ tầng cao nhất so với mức thu nhập bình quân đầu người (GDP), nên cơ hội là khá rõ ràng.
Bên cạnh thương mại, tôi kỳ vọng sẽ đa dạng mạng lưới xã hội Việt Nam, điển hình như vai trò của phụ nữ, đặc biệt là trong các vị trí lãnh đạo.
TIỀM LỰC TỪ THẾ HỆ TRẺ
- Bà có vẻ thích trò chuyện cùng sinh viên và các bạn trẻ. Bà có thông điệp gì muốn gửi đến thế hệ trẻ Việt Nam?
- Tôi rất thích nói chuyện với người trẻ. Tôi nghĩ một trong những thế mạnh của Việt Nam chính là số người dưới 25 tuổi chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu dân số.
Tôi cho rằng đây là yếu tố đóng góp vào nguồn năng lượng của đất nước, với đội ngũ lao động am hiểu về công nghệ, nhạy bén, sẵn sàng thay đổi, hứa hẹn xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước.
Tôi nghĩ việc kết nối với thế hệ trẻ để xem họ nghĩ như thế nào về cơ hội và thách thức của đất nước là điều rất quan trọng. Việc đó cũng giúp củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh. Chúng tôi hiểu rằng mình nên tập trung vào điều đó trong tương lai.
Cá nhân tôi cam kết sẽ cố hết sức để xây dựng mối liên kết với người trẻ và lắng nghe ý kiến của họ, đồng thời đối thoại về những điều chúng ta có thể hợp tác thực hiện.
- Tầm quan trọng của thúc đẩy mối quan hệ hai chiều giữa nhân dân hai nước?
- Về cơ bản, mối quan hệ Việt Nam - Anh được hình thành trên cơ sở sự kết nối giữa con người với nhau. Ví dụ, ở khía cạnh giáo dục, khoảng 12.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục ở Anh hoặc tham gia chương trình du học từ xa ở Việt Nam lấy bằng cấp quốc tế của Anh.
Sự trao đổi và giao lưu để hiểu nhau hơn chính là nền móng cho mối quan hệ ngoại giao ngày càng bền chặt của đôi bên. Tính hai chiều trong việc này hết sức quan trọng. Năm nay, dịch Covid-19 khiến việc di chuyển quốc tế gặp nhiều khó khăn, song 2020 cũng đánh dấu 10 năm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Anh và Việt Nam.
Chúng ta cũng thấy lượng khách du lịch từ Anh sang Việt Nam hàng năm tăng gấp ba lần, đồng nghĩa số người Anh có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Việt Nam cũng tăng lên. Tôi tin rằng đà tăng trưởng đó sẽ tiếp tục trong tương lai.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực thu hút sinh viên, doanh nhân và giới trí thức từ Anh sang Việt Nam. Đây là một khía cạnh mang tính bản lề trong quá trình thắt chặt mối quan hệ đôi bên.
Trao đổi thương mại song phương cũng tăng hơn gấp 3 lần trong một thập kỷ. Tôi nghĩ thế hệ trẻ sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình thông thương đó.
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng sự trao đổi giữa Anh và Việt Nam phải mang tính hai chiều, bởi học hỏi từ phía đối tác chính là một cách hiệu quả để trau dồi.
- Quan hệ hai nước sẽ tiến triển khoảng thời gian hậu đại dịch?
- 2020 là một năm đầy thử thách vì dịch Covid-19. Rõ ràng việc nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về tình hình đại dịch có phần dễ dàng hơn, bởi chính phủ của các bạn đã phản ứng một cách hiệu quả.
Điều này cho phép một nhà ngoại giao như tôi có cơ hội gặp gỡ trực tiếp mọi người. Nhưng đại dịch cũng cản trở công dân hai nước di chuyển từ Anh sang Việt Nam và ngược lại.
Do đó, chúng ta linh động và nhanh chóng chuyển sang các phương thức sáng tạo hơn, không đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp nữa.
Nhiều nghiên cứu y khoa từ khắp nơi trên thế giới đang đạt được những tiến triển tích cực. Vaccine Covid-19 phát triển bởi Đại học Oxford ở Anh và hãng dược AstraZeneca có mức độ hiệu quả lên đến 90%, đó là một tín hiệu đáng mừng.
Trên cơ sở này, tôi lạc quan rằng tình hình năm 2021 sẽ trở nên khả quan hơn, mở ra cơ hội kết nối mọi người theo cách thông thường.
TIẾP ĐẾN QUÁ KHỨ, HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI 
- Được biết, gần đây bà lãnh sự đã ghé thăm Lăng Ông Bà Chiểu. Bà có thể chia sẻ về chuyến đi đó và cảm nhận của bà về câu chuyện ở Lăng Ông?
- Tôi cũng mới thăm Lăng Ông Bà Chiểu gần đây. Ở đó, tôi được nghe kể câu chuyện về ông Lê Văn Duyệt, người giữ vai trò quan trọng trong chính quyền nhà Nguyễn.
Ông Lê Văn Duyệt về cơ bản đã thiết lập bộ máy quản lý Gia Định, tạo nền tảng cho sự thịnh vượng của TP.HCM ngày nay.
Tôi rất hứng thú khi đến thăm ngôi đền và nghe kể rằng ông ấy được xem như một vị thần bảo hộ hay một mảnh ghép quan trọng trong lịch sử thành phố.
Một điểm thú vị khác, khoảng 200 năm trước, ông Duyệt đã tiếp một nhà ngoại giao Anh đến từ Ấn Độ tên là John Crawford và trao đổi để thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh.
Tôi nghĩ đó là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự liên kết giữa hai nước. Thời điểm đó, mục tiêu tập trung vào đẩy mạnh thông thương là khá tương đồng với những gì tôi đang cố gắng thực hiện vào thời điểm hiện tại, 200 năm kể từ cuộc gặp đó.
Cơ hội được lắng nghe câu chuyện về buổi gặp đó là một điều hết sức tuyệt vời, khiến tôi có cảm giác mình đang tiếp bước các bậc tiền nhân, được những nhân vật lịch sử quan trọng này dẫn lối.
Một số nguyên tắc về ngoại giao vẫn bất di bất dịch, như giữ thái độ cởi mở với các nền văn hóa khác nhau, hiểu được lợi ích của việc giao thương, và đảm bảo các giao dịch được thực hiện một cách bình đẳng cho đôi bên. Đây cũng là những mục tiêu của nước Anh và cá nhân tôi khi đến Việt Nam.
Chuyến đi đến Lăng Ông là một trải nghiệm tuyệt vời, bởi ngôi đền lọt thỏm giữa đô thị sầm uất nhưng khuôn viên vẫn giữ được sự yên bình và tĩnh lặng, giúp tôi thực sự cảm nhận được thanh âm lịch sử và cội nguồn của thành phố.
Trong lúc đi dạo, tôi thấy một nhóm bạn trẻ đang tập nhảy trong khuôn viên đền. Đó là một sự liên kết đặc biệt giữa thế hệ trẻ với hiện thân của lịch sử. Không chỉ kết nối với quá khứ, họ còn kết nối với nhau, định hình một cộng đồng thú vị có chung nhịp sống.
_____________
Trước khi nhận nhiệm vụ tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, bà Emily Hamblin là giám đốc khu vực Mạng lưới Khoa học và Đổi mới của Anh tại Tây Âu. Bà cũng từng là tham tán về khoa học tại Đại sứ quán Anh ở Pháp.
Bà Hamblin bắt đầu làm việc cho chính phủ Anh từ năm 2008 và giữ nhiều vai trò khác nhau trong Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp.
Bà Hamblin theo học ngành Triết học - Chính trị & Kinh tế tại Đại học Oxford (Anh). Bà cũng từng được đào tạo về kế toán quản trị.
NGUỒN: ZING

0 nhận xét:

Đăng nhận xét