Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

THỤY ĐIỂN - NGƯỜI BẠN TỐT CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM.

Trong số những quốc gia là người bạn tốt của đất nước và Nhân dân Việt Nam, không chỉ có những nước XHCN anh em, mà còn có cả các nước tư bản TBCN, và Thụy Điển là một điển hình. Bạn đã ủng hộ ta về chính trị trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, và sau giải phóng bạn đã giúp đỡ ta rất nhiều về kinh tế. 


Thật vậy! 
Thụy Điển chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Miền Bắc Việt Nam vào ngày 11/01/1969, ngay khi cuộc chiến diễn ra căng thẳng.Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 6/1970, Thụy Điển lập Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 7/1970, ta lập Đại sứ quán tại Stockholm
Trong bối cảnh Việt Nam trong thời kì chiến tranh, và trong thời kỳ khó khăn, bị nhiều nước phương Tây bao vây, cấm vận, Chính phủ và Nhân dân Thụy Điển không chỉ dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm hữu nghị tốt đẹp, mà còn giúp đỡ, ủng hộ về mặt vật chất to lớn. Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ cho Việt Nam sớm nhất, liên tục (bắt đầu từ năm 1976) và là nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất với tổng số tiền viện trợ tính đến nay là 3 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực: y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, nhà nước pháp quyền...
Nhiều công trình đã được phía Thụy Điển tài trợ xây dựng với sự giúp đỡ về tài chính và công nghệ của Chính phủ Thụy Điển như: Nhà máy giấy Bãi Bằng ,là nhà máy giấy lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ (được xây cuối năm 1982) với công suất 55.000 tấn/năm (500 triệu USD); Bệnh viện nhi Thụy Điển (38 triệu USD); Bệnh viện đa khoa Uông Bí (25 triệu USD). Đây đều là những công trình đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân quanh vùng.
Thụy Điển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (8/1966). Tháng 10/1968, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam lập phòng thông tin tại Stockholm. Các cuộc tuần hành, biểu tình chống chiến tranh đã thu hút được nhiều thành phần trong xã hội Thụy Điển, kể cả các quan chức cấp cao, tiêu biểu trong số đó ta phải kể đến Thủ Tướng Olof Palme.
Ngày 23/12/1972, Palme (lúc này làm Thủ tướng) đọc bài diễn văn trên Đài phát thanh quốc gia Thụy Điển, ông đã so sánh việc Hoa Kỳ ném bom Hà Nội với một số hành động tàn bạo trong lịch sử, như cuộc ném bom Guernica, các cuộc tàn sát Oradour-sur-Glane, Babi Yar, Katyn, Lidice và Sharpeville cũng như cả cuộc tàn sát người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã. Chính phủ Hoa Kỳ gọi việc so sánh này là lời "lăng mạ bỉ ổi" và định đóng băng quan hệ ngoại giao của mình với Thụy Điển (kéo dài trên một năm).
Tháng 12/2010, Chính phủ Thụy Điển, với lý do cắt giảm ngân sách, đã quyết định đóng cửa 5 sứ quán Thụy Điển trên thế giới vào năm 2011, trong đó có Sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 02/8/2011, sau khi thỏa thuận được vấn đề ngân sách với liên minh đối lập, Chính phủ Thụy Điển tuyên bố giữ lại ĐSQ tại Việt Nam
Ảnh: Cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, người rất có cảm tình với Bác Hồ và nhân dân Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét