Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

VỮNG BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN

Ngày mai (26-1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng ta sẽ chính thức khai mạc. Đây là sự kiện trọng đại diễn ra vào thời điểm đánh dấu một chặng đường quan trọng của đất nước, dân tộc và cũng là thời điểm đủ để chúng ta xác định một tâm thế mới, khát vọng mới khi hướng về cột mốc 100 năm thành lập nước và 100 năm thành lập Đảng.


Những thành tựu đất nước và dân tộc giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử hơn 90 năm qua đủ để khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại.
VẤN ĐỀ SỐNG CÒN, KHÔNG CHO PHÉP AI NGẢ NGHIÊNG DAO ĐỘNG
Mỗi lần Đảng ta tổ chức đại hội đều gắn với một dấu ấn đổi mới, phát triển, một tầm nhìn mới để đưa đất nước phát triển hơn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đại hội XIII của Đảng lần này càng có ý nghĩa trọng đại và lịch sử hơn bởi chúng ta đang sống trong những năm tháng có nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp về kinh tế và đời sống, với những thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Nhưng đó cũng là thời điểm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta bước đầu vượt "bão" Covid-19, tiếp tục đi lên trong một trạng thái bình thường mới để hướng tới tương lai mới, tầm nhìn mới. Đó không phải là tầm nhìn định hướng phát triển 5 năm tới như các đại hội thường kỳ mà còn là tầm nhìn tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011 (bổ sung, phát triển) và xa hơn tầm nhìn phát triển đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam)...
Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này cho Đảng với tư cách là người dẫn đường chỉ lối con tàu đất nước: Chọn những đột phá nào để dân tộc Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn?
Lúc này đây, khi đặt bút viết bài này, tôi nhớ lại một đoạn trong áng văn chính luận của cây bút nổi tiếng Thép Mới trong bút ký "Thời dựng Đảng" viết năm 1984, như bỗng thấy những khát vọng của Đảng, của những người cộng sản vẫn cuộn chảy giống nhau, vẫn cháy bỏng một khao khát đưa đất nước phát triển: “Cả một thời kỳ thai nghén, mang nặng, đẻ đau, đã quyết định tính chất và vai trò của Đảng, hướng đi lên chính xác của đất nước, cái kiên và cái cường của phong trào, độ vững và sức bật của dân tộc và mỗi con người... Lúc này đây, đang có một sự khao khát trở về nguồn để bồi dưỡng cho mình sức mạnh đi tới, khi đến lượt chúng ta đây vươn cao lên để giải quyết tổng hợp những nhiệm vụ nặng nề và rộng lớn của thời kỳ mới, trực tiếp thực hiện những điều mơ ước-vì nó mà sống và chết-của những người cộng sản Việt Nam thuộc lớp đầu tiên”.
Câu trả lời là gì, trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã có và câu trả lời sẽ rõ hơn khi những ngày tới, Đảng ta tiếp tục luận bàn, giải đáp. Nhưng có thể thấy phần nào trong một định hướng lớn mà cách đây ít lâu, trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập, có thể khái quát trong 5 chữ: Kiên định và sáng tạo! Bài viết khẳng định: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.
KHÁT VỌNG PHẢI GẮN LIỀN VỚI CON ĐƯỜNG ĐÚNG
Những định hướng nêu trên có những điều tưởng như quen thuộc, tưởng như đã cũ nhưng chính là “cẩm nang” của chúng ta, là bài học đúc kết đằng đẵng qua biết bao biến cố của thời cuộc trên thế giới, là “chặng đường vinh quang và khổ ải”, là những trả giá thậm chí cả bằng máu và nước mắt để có được sự ổn định và phát triển. Trong những từ khóa của Đại hội XIII, một nét rất mới nổi lên lần này nằm ở hai chữ “khát vọng”. Khát vọng, theo từ điển tiếng Việt là sự mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp với một sức thôi thúc mạnh mẽ. Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên trong một văn kiện của Đảng ta, từ khát vọng được đề cập nhiều đến như vậy, ngay từ một đoạn trong tiêu đề đại hội: “... phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước...”
Trên thế giới này, có dân tộc nào, đất nước nào không có khát vọng, mong muốn được phát triển, được ấm no, tự do và hạnh phúc? Nhưng chỉ có khát vọng thôi thì chưa đủ. Đi kèm với đó phải có tầm nhìn, bước đi đúng đắn, đừng để sai một ly, đi một dặm. Jonathan Swift, một nhà văn trào phúng nổi tiếng thế giới từng cho rằng: “Tầm nhìn là nghệ thuật nhìn thấy được những gì mà người khác không nhìn thấy”. Tầm nhìn, bước đi mà Đảng ta xác định cho đất nước cùng với khát vọng mạnh mẽ nhưng không thể phiêu lưu, mạo hiểm; không thể thiếu tính cách mạng, biện chứng để dễ dãi đi theo những khuyến nghị đa nguyên, đa đảng, từ bỏ CNXH, đi theo mô hình dân chủ phương Tây... Bài học nhãn tiền từ không ít đất nước, dân tộc trong trào lưu "Mùa xuân Ả rập" cách đây tròn 10 năm đã cho thấy chỉ với khát vọng phát triển nhưng thiếu tỉnh táo, thiếu sự lãnh đạo sáng suốt của những chính đảng và thiếu con đường cách mạng đúng đắn, cái gọi là phong trào cách mạng "Mùa xuân Ả rập" đã biến thành mùa đông của đau thương, chiến tranh và ly tán.
Điều rút ra từ những sự kiện trên là hơn lúc nào hết, trong những sự kiện quan trọng như các kỳ đại hội đảng, các hội nghị Trung ương, ở vào những thời điểm lịch sử quan trọng hay trong bất cứ nhiệm vụ quan trọng nào, không cho phép Đảng được sai lầm về đường lối lãnh đạo.
Kể từ sau Đại hội VI của Đảng, nhất là từ Đại hội XI đến nay, đây đó xuất hiện nhiều lời kêu gọi cho rằng, Đảng ta phải “cải tổ” và nếu coi Đại hội VI là đổi mới lần 1 thì chúng ta phải đổi mới lần 2, lần 3 mạnh mẽ hơn, thậm chí phải đổi mới bằng một con đường khác.
Thực tế, theo đánh giá các chuyên gia kinh tế, đất nước ta trải qua 3 thời kỳ phát triển chiến lược. Lần thứ nhất là giai đoạn 1991-2000, Đảng lãnh đạo đất nước vượt ra khỏi khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế bình quân 7,56%/năm. Lần thứ hai, Đảng lãnh đạo đưa đất nước ra khỏi nước có thu nhập trung bình thấp. Lần thứ ba, Đảng lãnh đạo tạo tiền đề xây dựng đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và hiện nay chúng ta đang thực hiện. Trong giai đoạn 2021-2030 tới, trên cơ sở thành công của 3 giai đoạn chiến lược, bây giờ là lúc chúng ta hướng tới một khát vọng phát triển nhanh và bền vững hơn. Xét riêng ở khía cạnh kinh tế, chúng ta đã đi qua thời kỳ phát triển theo chiều rộng, rồi cả chiều rộng và chiều sâu, để bây giờ phát triển theo hướng tập trung vào chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 3 đột phá chiến lược, gồm: Thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực được xác định từ Đại hội XII sẽ tiếp tục được thực hiện với nội hàm mới, sâu sắc hơn.
Thực tiễn đó cho thấy, những kiến nghị, khuyến nghị đổi mới, phát triển hơn nữa luôn được Đảng ta trân trọng và thực tiễn suốt hơn 35 năm qua cũng là hành trình 35 năm liên tục đổi mới. Nhưng “nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Cho nên, đổi mới không có nghĩa là đổi màu, là thay đổi thể chế chính trị, mới có thể tạo ra sự phát triển.
XỬ LÝ TỐT MỐI QUAN HỆ GIỮA KIÊN ĐỊNH VÀ ĐỔI MỚI
Tuy nhiên, kiên định không có nghĩa là bảo thủ, trì trệ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rất rõ vấn đề này: “Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Cho nên phải hiểu rõ, vận dụng đúng phương pháp biện chứng của Chủ nghĩa Mác-Lênin: Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”. Đây cũng là một đòi hỏi để Đại hội XIII của Đảng phải tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, tiếp tục đề ra được những phương hướng chiến lược thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trong thời điểm thiêng liêng này của lịch sử, chúng ta như nghe âm vang lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa. Trong bản Di chúc ngắn gọn, Người đã 18 lần nhắc đến Đảng và căn dặn: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Chúng ta luôn kiên định và sáng tạo, vững bước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; hiện thực hóa khát vọng của Người và cũng là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét